Gian lận điểm ở Hòa Bình: Chủ mưu bị đề nghị 7-8 năm tù

Ngày 14-5, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử 15 bị cáo trong vụ gian lận thi cử xảy ra tại tỉnh này. Sau gần bốn ngày làm việc, phiên tòa chuyển sang tranh tụng.

Cha mẹ đừng cố “nâng đỡ” con em

Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Nguyễn Quang Vinh (cựu trưởng Phòng Khảo thí) 7-8 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Cùng tội danh, Khương Ngọc Chất (cựu trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh) bị đề nghị 5-6 năm tù, Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí) 5-6 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 12 tháng tù treo đến bốn năm tù giam.

Riêng Hồ Chúc (cựu giáo viên Trường THPT Thanh Hà) bị đề nghị 2-3 năm tù về tội đưa hối lộ.

Đỗ Mạnh Tuấn (cựu hiệu phó Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) bị đề nghị 10-12 năm tù về hai tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và nhận hối lộ.

Đánh giá về vụ án, đại diện VKS xác định hành vi của 15 bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy chế thi của Bộ GD&ĐT, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây mất lòng tin cho nhân dân, xúc phạm danh dự các thầy cô, làm tổn thương niềm tin của học sinh trên cả nước.

“Nếu vụ án không bị phát hiện, các cá nhân gian lận có thể sẽ vào làm việc trong cơ quan nhà nước, việc này sẽ đẩy xã hội về đâu?” - kiểm sát viên đặt câu hỏi.

Cơ quan công tố khẳng định đây là vụ án có tổ chức, các bị cáo cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội dưới sự chủ mưu của Nguyễn Quang Vinh. Thậm chí, nhiều bị cáo vì động cơ vụ lợi cá nhân, vụ lợi kinh tế mà ngang nhiên phạm tội.

Vụ án cũng là bài học sâu sắc với những ai coi thường pháp luật khi chỉ vì động cơ cá nhân mà phạm pháp, là hồi chuông cảnh tỉnh các công chức khi có ý định lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội thì cần phải loại bỏ ngay.

“Qua đó nhắc nhở cha mẹ học sinh đừng cố cho con em của mình vào những ngành nghề các cháu không đủ trình độ tự thân mình tham gia, để không xảy ra tình trạng chạy điểm, mua điểm” - đại diện VKS nhấn mạnh.

Về vai trò cụ thể của từng bị cáo, kết quả điều tra xác định có 145 bài thi trắc nghiệm của 58 thí sinh được nâng 0,2-9,25 điểm cho một môn.

Trong đó, Nguyễn Quang Vinh phải chịu trách nhiệm với việc nâng điểm của 65 bài thi, Đỗ Mạnh Tuấn 65 bài, Nguyễn Khắc Tuấn 100 bài, Khương Ngọc Chất 10 bài, Diệp Thị Hồng Liên (cựu phó trưởng Phòng Khảo thí) 20 bài.

Riêng Khắc Tuấn từng thực hiện hành vi nâng điểm cho cháu của mình cả trong năm 2017 nên phải chịu tình tiết phạm tội nhiều lần.

Gian lận điểm ở Hòa Bình: Chủ mưu bị đề nghị 7-8 năm tù - ảnh 1
Các bị cáo trong vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình. Ảnh: TP

Kế hoạch “thí tốt” bất thành

 

Trong phần xét hỏi, Đỗ Mạnh Tuấn khai đầu tháng 5-2018 được Vinh đặt vấn đề nâng điểm cho một số thí sinh là con em cán bộ trong ngành.

Tuấn nhận lời và đề xuất sẽ sửa trực tiếp trên bài thi của thí sinh. Cùng với đó, Vinh phải chuẩn bị chìa khóa để mở cửa phòng chứa bài thi, niêm phong làm sao cho dễ bóc…

Khi vụ việc bị phát giác và có đoàn kiểm tra về chấm phúc khảo, Tuấn được Vinh gọi lên trao đổi. Vinh gợi ý nếu mọi sự vỡ lở thì Tuấn đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm.

“Anh Vinh nói chỉ nhận tội một mình, còn lại vợ con và mọi thứ ở ngoài anh sẽ lo liệu” - Tuấn kể và cho biết đã khai báo theo sự hướng dẫn của Vinh khi tới cơ quan công an đầu thú.

Cũng theo lời bị cáo, sau khi được tạm cho về, Tuấn có tới nhà gặp Vinh và nói rằng công an không chỉ muốn xử lý vài người “tép riu, làng nhàng” mà muốn tìm người đứng đằng sau. Lúc này, Vinh trấn an nếu đường cùng thì phải khai nhưng Vinh sẽ chỉ nhận phần thiếu trách nhiệm.

Nhận thấy đây là điều rất phi lý, Tuấn đã khai toàn bộ sự thật với công an. “Bị cáo chỉ là phó hiệu trưởng của một trường dân tộc nội trú cấp huyện nên không đủ tài, đủ tầm và đủ giỏi để thao túng một kỳ thi cấp tỉnh như thế. Nếu như không có sự giúp đỡ, che chắn từ các phía thì sai phạm trong kỳ thi khó thể xảy ra” - bị cáo phân trần.

Ngược lại, Vinh cho rằng lời khai của Tuấn là “sai sự thật” vì bị cáo không bàn bạc hay tạo điều kiện để Tuấn nâng điểm cho các thí sinh.

Vinh cũng không thừa nhận đã đưa chìa khóa cho Tuấn mở cửa phòng thi, không bàn bạc với Khương Ngọc Chất về việc tạo kẽ hở cho cấp dưới có thể ra vào phòng chứa bài thi để sửa điểm…

Nhiều bị cáo không nhận tội

Quá trình xét xử, ngoài Nguyễn Quang Vinh, một số bị cáo khác cũng cương quyết khẳng định mình không có tội.

Điển hình, Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận thông tin từ Khương Ngọc Chất và Đào Ngọc Thuật (cựu giáo viên Trường THPT Mường Bi) để nâng điểm cho các thí sinh. Ngoài ra, bị cáo còn nhận 500 triệu đồng của Chất, 250 triệu đồng của Thuật là tiền “cám ơn”.

Đối chất tại tòa, cả hai bị cáo Chất và Thuật cho rằng mình bị vu khống, không hề nhờ Tuấn sửa điểm, cũng không có chuyện đưa tiền.

Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng dựa vào các chứng cứ là lời khai của người liên quan, các cuộc gọi điện thoại thu thập từ nhà mạng..., có đủ bằng chứng chứng minh cựu thượng tá công an phạm tội.